image banner
Lịch sử phát triển và hình thành
Lượt xem: 1036
Hải phúc là một xã ở phía Đông của huyện Hải Hậu, kinh độ 106 0 15 / 32, 58 // Đ, tọa độ 20 0 13 / 58,56 // B, phía Đông là Sông Sò tiếp giáp xã Quất Lâm huyện Giao Thủy, phía Tây tiếp giáp xã Hải Hà, phía Nam giáp xã Hải Lộc, phía Bắc giáp xã Hải Nam. Xã có con đường 56 cũ, nay là Quốc lộ 37B chạy qua nối 2 huyện Giao Thủy và Hải Hậu, dân số toàn xã có 7.150 người, diện tích toàn xã là 679,32ha, với tổng chiều dài đê biển và đê sông là 3,8km, khoảng 15% đồng bào theo Đạo Thiên chúa giáo.

           

Hải Phúc xưa kia là vùng bãi bồi nằm ở phía Tây cửa Lạn Môn, vào thế kỷ XV nơi đây mới nổi lên một số cồn bãi ở phía trước các Làng Quần Mông, Kiên Lao, Trà Hải thuộc huyện Giao Thủy.  Khi ấy với chính sách khuyến khích sản xuất Nông nghiệp mở mang ngành nghề và coi trọng việc bảo vệ biên giới Quốc gia, vua Lê Thánh Tông đã huy động dân binh cho đắp con đê dài từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Bởi thế từ phía Tây cửa Lạn Môn tới đê Đông xã Quần Anh (Yên Định ngày nay) đã mở ra một vùng cồn bãi rộng hàng ngàn mẫu, song lúc đó ở trong đê còn nhiều lạch sâu và rộng chưa thể tiến hành khai khẩn.        

Khoảng những năm từ 1619 đến 1628 thời Lê Thần Tông niên hiệu Vĩnh Tộ, An phủ xứ Vũ Duy Hòa người Làng Mộ Trạch, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương (nay là xã Tân Hồng, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương), ông thuộc dòng dõi Vũ Hồn vốn từ đất Phúc Kiến bên Trung Quốc về Phương Nam từ thời Đường, định cư tại Mộ Trạch đến vùng cồn bãi này thấy phù sa bồi đắp màu mỡ, địa thế rộng dài, nhưng dân cư mới ở vào ba nơi đất cao gọi là Cẩm Hà Trang nên khi được phép của Triều đình đã cho cắm mốc địa giới: Hội Khê phía Bắc, Quần Mông, Kiên Lao, Trà Hải phía Tây, bao bọc Cẩm Hà Trang và phía trước Cẩm Hà Trang vẫn còn là biển. Tập thể khai khẩn ban đầu do An Phủ Sứ Vũ Duy Hòa đứng đầu, gồm có bố vợ là Hương Cống Trần Quốc Thể, anh rể Phạm Hương Lan và các bậc tổ của dòng họ khác; tiến sĩ Đỗ Minh Thông, Thiêm sự Đoàn Công Cai cùng nhân dân trăm họ khai khẩn vùng đất này, tiếp đến các họ ở nhiều nơi cũng tới hợp thành một lực lượng, phân chia thành các mũi khẩn hoang khá mạnh. Đồng thời nhân dân Cẩm Hà Trang và các Làng, Xã liền kề cùng tiến ra lấn biển.      

Năm Giáp Tý niên hiệu Vĩnh Tộ 1624, ngày 25 tháng giêng Tổ Vũ Duy Hòa qua đời trong niềm thương tiếc vô hạn của nhân dân địa phương, sau khi ông mất vua ban Sắc Phong “khai điền lập ấp, khuyến hiếu trung khai nhận hậu linh phù tôn thần”, đồng thời cho phép nhân dân lập đền thờ, hiện nay khu mộ của ông nằm trong khuôn viên chùa Hà Lạn.   

Đây là cuộc khẩn hoang ở phía Tây sông Hà Lạn được tổ chức có qui mô lớn vì phải đắp một con đê ngăn mặn phía ngoài đê Hồng Đức, nối từ đê Ngự Hàm ngang với đê Bao Bì của Cẩm Hà Trang vòng sang phía Đông hợp với đê Hồng Đức ở chỗ Mộng Giường, đồng thời phải bồi trúc đoạn đê Hồng Đức từ Mộng Giường đến Sông Sò, tiếp đó là đê sông kéo dài lên tới Thức Hóa, đó là công trình tốn nhiều công sức và phải đắp đi đắp lại nhiều lần.

Trong một thời gian dài vẫn còn những vùng nước sâu, những Ngòi, Lạch tự nhiên và đất bãi bồi non cùng lau sậy, năn lác mọc um tùm nên nhân dân các họ phải cố kết cùng nhau tiến hành khoanh vùng ngăn mặn, đào ngòi, điều nước, thau chua rửa mặn và phải kiên trì, vất vả từ đời này sang đời khác ròng rã hơn 100 năm.Tới đầu thế kỷ XVIII khu khai khẩn trong đê Hồng Đức từ cửa sông Hà Lạn đến giáp đê Đông Quần Anh mới hoàn thành mở ra Ấp Hà Lạn gồm 8 thôn là: Phượng Đông, Phượng Đoài, Thượng Phúc, Trung Tự, Phúc Lộc,Phúc Thụy, Phúc Tự, Trung Lương. Sang thời Nguyễn Gia Long, nhiều Làng mới được đặt tên hoặc nâng cấp. Năm 1816 vào thời điểm ấy Hà Lạn cũng được phong thành cấp xã. Từ năm 1896 ở phía ngoài đê Hà Lạn giáp Sông Sò và ở phía trước các thôn Phượng Đông, Thượng Phúc bồi thêm một khoảnh đất rộng hàng trăm mẫu, nhân dân từ Phú Nhai, Trà Bắc, Thức Hóa chuyển xuống thành vùng khai khẩn. Năm 1915 hoàn thành gọi là Ấp Phú Hải thuộc Tổng Kiên Trung.         

Sau cách mạng Tháng tám, đầu năm 1948 Làng Hà Lạn, Hà Quang và Hải Nhuận, Phú Hải hợp thành xã Hưng Đạo chia thành 3 thôn: Thôn Đông, Thôn Tây và Thôn Nam, địa phận Thôn Đông gồm có Thôn Phượng Đông, Phượng Đoài, Trung Tự, Thượng Phúc của Làng Hà Lạn cùng với Làng Phú Hải.

Năm 1952 xã Hưng Đạo đổi tên là xã Hải Hà. Tháng 9/1956 xã Hải Hà chia thành 3 xã theo địa dư của 3 thôn. Ngày 02/10/1956 Thôn Đông lập thành xã mới lấy tên là xã Hải Phúc.       

Hải Phúc – Mảnh đất được biển bồi và là cái nôi khai khẩn của vùng đất phía tây Lạn Môn. Qua các thế hệ nối tiếp nhau với biết bao công sức,mồ hôi và trí tuệ, nhân dân các họ đã cùng chung lưng đấu cật từng bước biến cải vùng đất hoang sơ thành quê hương ngày một trù phú đông vui, là nơi hội tụ cư dân của nhiều miền quê châu thổ Sông Hồng, tổ tiên các họ đã đem đến cho quê hương bao truyền thống quý báu và ý chí của người đi mở đất, khiến cho Hải Phúc mang đầy đủ bản sắc của Làng quê Việt Nam, lại có những nét riêng đó là tinh thần đoàn kết, nhẫn lại và sự kiên cường trong qúa trình khẩn hoang lập nghiệp.

Suốt mấy chục năm, qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ nhân dân Hải Phúc luôn kiên định vững vàng, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn thư thách, hàng trăm người đã kiên cường chung thủy bảo vệ cán bộ, bảo vệ kháng chiến trong thời gian bị địch tạm chiếm, hàng trăm người đã trực tiếp cầm súng chiến đấu. Trong đó nhiều người con thân yêu đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Lòng yêu nước của nhân dân còn thể hiện trong việc đóng góp sức người, sức của trong công cuộc kháng chiến với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, Hải Phúc đã được Đảng, Nhà nước phong và truy tặng 14 Mẹ Việt Nam anh hùng, có 108 Liệt sĩ, Thương bệnh binh 87 người và được tặng thưởng hàng trăm Huân Huy chương các loại. Hải Phúc có Liệt sĩ Trần Ngọc Nhuận hy sinh năm 1930 khi đó ông đang tham gia phong trào Nguyễn Thái Học ở tỉnh Yên Bái là Liệt sĩ đầu tiên của xã Hải Phúc và quê hương Hải Hậu.   

Bước vào đầu thời kỳ đổi mới cán bộ đảng viên và nhân dân toàn xã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, tốc dộ tăng trưởng kinh tế hàng năm tăng từ 8 – 10%. Phong trào xây dựng xóm Nông thôn mới, xã Nông thôn mới và Làng văn hóa đã được UBND tỉnh Nam Định công nhận là một trong 6 xã tốp đầu được công nhận Nông thôn mới của huyện Hải Hậu năm 2013, đến nay15/15 xóm đã đạt Danh hiệu Làng văn hóa theo tiêu chí cấp huyện. Cùng  với đó Trường Mầm non, trường Tiểu học, trường THCS, trạm Y Tế xã đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia năm 2012 chùa Hà Lạn được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận chùa Di tích cấp Quốc gia năm 2001, Đền an phủ xứ Vũ Duy Hòa được công nhận Di tích cấp tỉnh năm 2006, Từ đường nơi thờ Hương cống Trần Quốc thể đã được công nhận Di tích cấp tỉnh năm 2008. Giáo Xứ Phú Hải ngày một khang trang sạch đẹp với tinh thần đoàn kết Lương Giáo trước sau như một, kính Chúa yêu nước và chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước cũng như các qui định của địa phương. Tháng 4/2016 Cây Đa 450 tuổi và Cây Sanh chùa Đào Am thuộc thôn Phượng Đông được hiệp hội UNESCO công nhận là cây Di sản Việt Nam. Đảng bộ xã Hải Phúc được Thường vụ Huyện ủy Hải Hậu công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh nhiều năm liền.       

Lịch sử hình thành và phát triển mảnh đất con người Hải Phúc là thành quả đấu tranh kiên cường mở đất và giữ đất, đó là sự đồng cam cộng khổ, sự cố kết cộng đồng, tính cần cù sáng tạo và nhẫn lại, đó là những truyền thống quý báu kết tinh từ trí tuệ, mồ hôi và cả máu của bao thế hệ người Hải Phúc để khai phá xây dựng và bảo vệ mảnh đất này. Và ngày nay con người Hải Phúc dù ở quê hương hay mọi miền Tổ quốc đều nguyện kế thừa, phát huy xây dựng mảnh đất con người nơi đây ngày thêm giàu mạnh văn minh./.

 

Tạ Duy Hiền- Phó Ban tuyên giáo Đảng ủy.

 

Tin liên quan
Tin mới



image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
 Cơ quan chủ quản: UBND Xã Hải Phúc
     Địa chỉ: Xã Hải Phúc - huyện Hải Hậu - tỉnh Nam  Định
     Điện thoại: (022)83.879.708   * Email: xahaiphuc.hhu@namdinh.gov.vn
     Người chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Chủ tịch UBND xã

  
Chung nhan Tin Nhiem Mang